HƯỚNG DẪN CÁCH CHỌN GÀ CHỌI TƠ HIỆU QUẢ NHẤT
THỨ NHẤT – DỰA VÀO ĐÒN LỐI
Khác với cách chọn gà chọi tơ qua tông dòng, chọn qua đòn lối không cần quan tâm đến “bố mẹ nó là ai”, chỉ cần sở hữu đòn đánh hay, độc lạ,... thì cứ CHỐT. Đây là tiêu chí hàng đầu mà nhiều kê quan tâm. Song với gà chọi tơ, vì độ tuổi còn quá nhỏ nên phần lớn sẽ không thể hiện rõ.
Nhưng đây cũng là cái tuổi “háu thắng”, bắt đầu “phân cấp trong đàn”. Chúng sẵn sàng gây hấn và chiến đấu với những anh em trong cùng một đàn. Có thể dựa vào điểm này để nhận biết đòn đánh của chúng.
Tuy nhiên khuyến cáo anh em nên nuôi tách gà chọi tơ, vì bước vào tuổi này chúng như những kẻ “điếc không sợ súng”. Nếu không tách ra thì dễ đánh nhau đến toác đầu mẻ trán mà chẳng được gì, thậm chí là chết gà.
THỨ HAI – DỰA VÀO TÔNG DÒNG
Không phải tự nhiên mà anh em trong giới lúc nào cũng khoe chiến kê của mình được “lai phối từ giống tốt”. Tất nhiên gà được lai tạo từ dòng giống tốt không phải lúc nào cũng đá hay, 100 con ra trường thắng cả trăm con; mà còn phải dựa vào cách chăm sóc, huấn luyện, chế độ dinh dưỡng.
Nhưng không thể phủ nhận, những con có “dòng giống tốt” chăm sóc sẽ dễ hơn, cơ hội nắm trong tay thần kê dị tướng cũng cao hơn những con gà chiến bình thường.
Nếu anh em tự phối giống thì phải biết cách chọn con mái và con trống hay, sở hữu nhiều gen trội – nhất là gà mái, vì đời con thừa hưởng từ gà mẹ nhiều hơn gà bố. Ngược lại nếu mua gà chọi tơ trên thị trường thì nhớ tìm hiểu kỹ giả phả của nó như nào.
Chẳng hạn như hậu duệ của Xám Thần, Xám Messi,... (toàn những cái tên nổi trội trong làng đá gà chọi) giờ anh em có tiền cũng không mua được. Vì quá hiếm, hơn nữa danh tiếng của những chú gà đó quá là KHỦNG rồi, ai ai cũng mong ước sở hữu.
THỨ BA – CÁCH CHỌN GÀ CHỌI TƠ DỰA VÀO VẢY CHÂN, LÔNG
Cách chọn gà chọi tơ tiếp theo mà anh em không thể bỏ qua đó là xem vảy chân và lông. Ông bà xưa có câu “nhất tướng nhì tông tam lông tứ vảy”. Hiện nay có hơn 108 loại vảy khác nhau, có những vảy hiếm – vảy lạ biểu hiện cho đòn cáo đòn độc, tăng khả năng chiến thắng khi ra trường. Cũng có những vảy xấu không nên chọn, nuôi tốn công tốn sức mà không thành tài.
Với gà chọi tơ chưa mở mỏ thì vẫn được xem là gà bắt bóng. Anh em cứ quan sát kỹ vảy của nó xem có gì đặc biệt không, lông như thế nào. Chẳng hạn như gà ô chân trắng mỏ gà hay gà ô chân xanh mắt ếch,... thì xin chúc mừng, bạn đang nắm trong tay thần kê dị tướng.
Tất nhiên trước khi xem vảy thì bản thân anh em phải trang bị cho mình những kiến thức hữu ích về vảy độc – lạ, vảy tài của gà chiến, chẳng hạn như vảy địa phủ, cựa nhật nguyệt, vảy vấn cán, vảy tam tài,....
THỨ TƯ – DỰA VÀO SỨC KHỎE
Dựa vào sức khỏe là cách chọn gà chọi tơ cuối cùng mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Gà có tài, có hay đến đâu mà sức khỏe kém thì cũng bỏ. Phải đảm bảo chú gà chọi không có bất cứ dị tật bẩm sinh nào, cơ thể phát triển tốt, không có bất cứ khiếm khuyết nào. Đối với tiêu chí này bạn hoàn toàn có thể nhìn bằng mắt thường, quan sát chiến kê để đánh giá.
LỌC GÀ CHỌI TƠ – BƯỚC CUỐI CÙNG ĐỂ TÌM RA NHỮNG CÁ THỂ NỔI BẬT
Sau 4 cách chọn gà chọi tơ chuẩn không cần chỉnh trên, anh em sẽ bước vào quá trình lọc gà. Chắc hẳn nhiều kê sư sẽ hỏi “Đã tốn công chọn ra gà đá tốt, tại sao còn phải lọc”. Đơn giản là sau vài tuần nuôi, những chú gà mà anh em “tưởng tốt” có thể không tốt như bạn nghĩ, chúng có thể phát bệnh muộn hơn hoặc xuất hiện những dấu hiệu lạ.
LẦN LỌC THỨ NHẤT – LỌC BỎ NHỮNG CÁ THỂ ỐM YẾU
Trong quá trình nuôi gà chọi tơ, nếu phát hiện gà ốm yếu sinh ra dị tật hay những dấu hiệu bất thường,... kê sư nên tách ra nuôi riêng. Nhớ là nuôi riêng chứ không phải bỏ nhé. Vì đôi khi chính những hiện tượng đó lại cho ra đời những thần kê dị tướng hiếm có khó tìm.
Còn với những gà chọi xuất hiện dị tật, khiếm khuyết, ốm yếu,.... thì loại bỏ luôn. Đầu tư thời gian vào chăm sóc những chiến kê khỏe mạnh, chất lượng.
LẦN LỌC THỨ HAI – CHỌN NHỮNG CHIẾN KÊ CÓ TIỀM NĂNG
Muốn biết những chú gà chọi tơ mà bạn chọn có tiềm năng hay không có thể cho chúng thử đòn với những gà tơ khác. Sau đó phân tách ra một lần nữa. Lưu ý là không dồn chung với những con đã tách ở lần lọc thứ nhất nhé.
LẦN LỌC THỨ BA – VẦN GÀ ĐỂ ĐƯA RA ĐÁNH GIÁ CUỐI CÙNG
Cuối cùng là cho gà chọi tơ vần đòn – vần hơi để đưa ra quyết định cuối cùng. Những con nào nằm trong nhóm chất lượng này thì anh em đầu tư vào chế độ dinh dưỡng để phát triển toàn diện, kết hợp thêm quá trình chăm sóc như cắt tai tích – cắt lông, huấn luyện để tăng độ bền,....
Còn với cá thể tách ở lần thứ 2 và thứ nhất, anh em xem chuyển biến ra sao. Nếu tốt lên thì đầu tư vào nuôi dưỡng, con nào đẹp mã, sở hữu đòn đá hay nhưng không bền sức thì có thể cho đạp mái để lưu giống. Nếu không có gì khả năng có thể bỏ qua.
HƯỚNG DÂN CÁCH CHĂM SÓC GÀ CHỌI TƠ HIỆU QUẢ NHẤT
Nhiều người cho rằng gà chọi tơ không khó nuôi, giai đoạn này không cần đầu tư quá nhiều vào cách huấn luyện, chỉ cần cho ăn thật nhiều để tăng cân cũng như đảm bảo sức đề kháng khỏe là được. Tuy nhiên cách nghĩ này hoàn toàn sai lầm, gà ở mỗi giai đoạn sẽ đòi hỏi chế độ nuôi dưỡng và chăm sóc khác nhau.
Gà chọi tơ nuôi như thế nào để hiệu quả? Quy trình nuôi gà chọi tơ như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
ĐẶC ĐIỂM CỦA GÀ CHỌI TƠ
Gà chọi tơ từ tháng thứ 6 trở đi ngoại hình dường như đã phát triển tương đối, lông mã bắt đầu mọc, cũng dần học cách gáy - Dù tiếng gáy không vang, to và rõ như gà trưởng thành.
Đây cũng là giai đoạn mà gà chọi khá háo thắng và sung sức. Nếu nuôi theo hình thức thả lang, trong chuồng mà không có mấy con gà trống trưởng thành thì chúng thường “dí” mấy con gà mái chạy quanh sân. Giống như những “anh chàng” loay choay, thích làm nổi trước mặt các “cô nàng”.
Đặc biệt, kê sư cần nuôi tách riêng gà chọi tơ nếu không sẽ xảy ra tình trạng “đánh nhau” giữa vài con trong bầy. Tùy giống gà dữ hay không mà mức độ ”gây hấn” cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung, ở độ tuổi này chúng bắt đầu “phân chia thứ bậc” trong bầy bằng sức mạnh.
Nếu kê sư không chủ động nuôi tách riêng rất dễ dẫn đến tình trạng hư gà, sứt mỏ, gãy cánh... nặng thì chết gà.
Lưu ý: Trong giai đoạn này kê sư nên dành nhiều thời gian cho chiến kê, hay vuốt ve và bế nó, để gà chọi quen với tay chủ.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG GÀ CHỌI TƠ
Nhìn chung chế độ dinh dưỡng của gà trong từng giai đoạn không khác nhau là mấy, chỉ tăng hoặc giảm thành phần nào đó mà thôi. Quan trọng là phải cho ăn đúng giờ. Đây cũng là thời điểm gà thay lông, lông mọc hoàn chỉnh. Nếu muốn chúng sở hữu bộ lông mềm mượt, bóng,... nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm như thịt, cá, cà chua, đậu nành,...
Anh em có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng cho gà chọi tơ như sau:
- Buổi sáng (8 – 9h): Cho gà ăn lúa, ngũ cốc.
- Buổi trưa (12h): Cho ăn thực phẩm tươi, rau xanh.
- Buổi chiều (4h): Cho ăn lúa, ngũ cốc.
- Ban đêm (8h): Cho ăn thêm lúa, ngũ cốc. Đồng thời bổ sung nước cho gà rồi để chúng ngủ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, anh em cũng cần ghi nhớ những vấn đề sau:
- Thức ăn, nước uống phải được đựng trong máng.
- Không cho gà ăn thức ăn thừa từ ngày này sang ngày khác. Trung bình 1 ngày mà ăn không hết thì phải bỏ đi, thay bằng thức ăn mới. Đừng vì tiếc mà cho gà ăn lại, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề hơn.
- Nếu anh em chưa nắm được lượng thức ăn của gà thì ngày đầu tiên cho chúng ăn thật nhiều (nhớ liều lượng). Sau đó để ý xem tình trạng của gà ra sao, ví dụ với nửa lon lúa + ngũ cốc, gà ăn xong cảm giác nặng nề, đi không nổi,... thì lần sau ta giảm xuống 1/4 lon.
- Nước cho gà uống nên là nước mưa, nếu không có thì cho uống nước sạch. Hạn chế cho gà uống nước từ vòi, vì thường trong nước có chứa chất kháng khuẩn – tuy tốt cho người nhưng không tốt cho hệ tiêu hóa của chúng.
- Phải vệ sinh chuồng thường xuyên, vì gà vốn có thói quen mổ xuống đất. Nếu trong chuồng có vi khuẩn phát triển, rất dễ gây ra bệnh.
CẮT TAI TÍCH VÀ TỈA LÔNG GÀ CHỌI TƠ
Khi gà còn tơ, nên chủ động cắt tai tích từ trước, vì lúc này vết thương sẽ nhanh lành hơn. Gà cũng chưa đi thi đấu nên sẽ không làm mất thời gian. Việc cắt tai tích nhằm loại bỏ phần thịt thừa sau tai, sau này sẽ không trở thành “yếu điểm” của nó khi ra đấu trường.
Có hai cách cắt tai tích, một là dùng dao lăm/ dùng kéo, hai là dùng dây chun. Cách một hiệu quả ngay tức thì, nhưng người thực hiện phải có kinh nghiệm nếu không muốn gà mất máu quá nhiều. Cách hai thì không rơi tí máu nào, nhưng bù lại hiệu quả chậm. Cụ thể:
- Cắt bằng dao lăm/ dùng kéo: Nhớ sử dụng dụng cụ mới hoặc đã qua khử trùng để không gây nhiễm trùng vết thương. Tùy người cắt có kinh nghiệm hay không mà mức độ mất máu sẽ nhiều hoặc ít. Tuy nhiên nên chủ động chuẩn bị sẵn đồ cầm máu. Khi cắt nhớ tỉa sạch phần da thừa.
- Cắt bằng dây chun: Cách này thì đơn giản hơn. Kê sư lấy dây chun buộc chặt phần tai tích lại. Buộc thật nhiều dây và chắc vào. Sau một thời gian thì phần tai tích sẽ tự rụng. Tuy nhiên cách này thì hiệu quả không nhanh, đôi khi gây khó chịu cho gà.
Tiếp đến là cắt tỉa lông cho gà chọi tơ. Dù lông của chúng không nhiều, nhưng những chỗ như cổ, thân gà,... vẫn có. Nếu không tỉa sạch thì nhìn chúng trông rất bẩn, nhất là vào mùa hè sẽ khiến chúng bị nóng. Các bước cắt tỉa như sau:
Tỉa ở đầu và cổ:
Đối với gà chọi tơ không nên tỉa lông ở đỉnh đầu mà nên bắt đầu từ cổ trở xuống. Tiếp đến là lông gáy cho đến lưng. Khi tỉa bạn nên cầm từng cọng lông kéo căng ra sau đó hớt sát chân lông. Phía trước hầu không để lông che từ cần non xuống ngực.
Tỉa ở nách và hông:
Đây là hai khu vực giúp tỏa nhiệt và làm mát cho gà nhanh nhất vào mùa hè. Đặc biệt trong giờ giải lao khi thi đấu, kê sư sẽ phun nước vào bộ phận này rồi dùng khăn lau, với mục đích làm mát cơ thể. Nếu không gà rất dễ bị hóc.
Bắt đầu tỉa từ lông nách đến tận phao câu (lưu ý không tỉa lông mã và lông lưng). Lấy xương hông nhô ra làm chuẩn, rồi tỉa gọn đến hậu môn gà là xong.
Tỉa ở đùi:
Phần lông nối giữa đùi và hông nên được tỉa gọn, chỉ cần giữ phần lông bao quanh đùi khoảng 5cm tính từ gối lên là được. Phần đùi phía trong tía sạch, sau đó dùng khăn ướt lau qua.
Tỉa ở bụng dưới lườn:
Lưu ý là giữ phần lông ngực cho đến đùi, để giảm thiểu vết thương khi xạ nạp. Lông từ phía đùi sau đến hậu môn cần được tỉa sạch. Anh em nào cẩn thận có thể chừa chùm lông ở phao câu gà để cản gió cũng như không bị đối phương cắn mổ thì càng tốt.
NHỮNG BÀI TẬP CHO GÀ CHỌI TƠ
Anh em thường nghĩ rằng gà chọi tơ thì không nên cho tập luyện quá nhiều, vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của chiến kê. Cách nghĩ này đúng, nhưng không thực sự chính xác. Gà chọi tơ vẫn cần phải tập luyện, nhưng với mức độ nhẹ và đừng quá ép chúng là được.
- Vần hơi: Bịt cựa và mỏ hai chú gà chiến lại với nhau rồi để chúng tự vần. Cách này tuy đơn giản nhưng hỗ trợ độ bền rất cao. Hoặc cho chạy lồng cũng rất tốt.
- Quần sương: Sáng sớm trời vẫn còn sương thì bắt gà thả ra vườn, cho nó tự do đi lại. Vừa giúp chúng thư giãn vừa quen với điều kiện thời tiết – ít bị bệnh, tăng sự cứng cỏi.
- Dầm cán: Mỗi lần quần sương xong thì cho gà dầm cán tầm 10 phút, công thức thì anh em có thể tham khảo trên mạng.
- Phun rượu, om gà: Trước khi phơi nắng gà thì nên phun rượu rồi kết hợp massage nhẹ để rượu thấm vào da, vừa làm thư giãn cơ, vừa giúp máu huyết lưu thông. Ngày phơi nắng hai lần (sáng – chiều) thì phun rượu 2 lần + om bóp. Vào buổi chiều thì tắm qua nước lạnh, sau khi phơi khô lông thì phun rượu lần nữa.
KẾT LUẬN
Phía trên là quy trình nuôi và chăm sóc gà chọi tơ, nói khó không khó, nói dễ thì cũng không chính xác. Quan trọng là quy trình áp dụng, thời gian và sự điều độ. Chúc anh em thành công.